Lâu nay, khi nói tới nhân sâm, người ta thường nghĩ tới sâm Triều Tiên, sâm Hàn Quốc, sâm Ngọc Linh. Nhưng có một loại sâm rất nổi tiếng và tốt cho sức khỏe, đó là Nhân Sâm Hoa Kỳ (American ginseng), còn gọi là Hoa Kỳ sâm, Tây Dương sâm, sâm Mỹ, sâm Canada, sâm Bắc Mỹ. Loại sâm này sinh trưởng tự nhiên ở vùng Bắc Mỹ (chủ yếu là Canada và Hoa Kỳ). Hiện nay đây là một trong những đặc sản nông nghiệp cao cấp của vùng này.
PHÂN BIỆT GIỮA SÂM HÀN QUỐC VÀ SÂM MỸ
Sâm Hoa kỳ (tên khoa học là Panax quinquefolius) có vẻ ngoài xù xì và gân guốc, trong khi Nhân sâm Hàn Quốc (tên khoa học là Panax ginseng) có vẻ ngoài “mượt mà” hơn. Cả hai đều thuộc chi Panax và đều có thành phần dược tính saponin khá tương đồng: đều chứa ginsenosides – là chất khiến nhân sâm có đặc tính tốt cho sức khỏe; nhưng cấu trúc thành phần có đặc trưng và hàm lượng khác biệt.
Nhân sâm Hàn Quốc có 13 loại saponin khác nhau, trong đó, hoạt chất chính quyết định tác dụng sinh lý của loại sâm này là Rh và Rg, gây hưng phấn thần kinh. Còn trong sâm Mỹ thì chỉ thấy 6 loại: Ro, Rb1, Rb2, Rc, Rd, Re. Trong đó, loại saponin Rb1 chiếm tới 30%-40%, có tác dụng ổn định thần kinh trung ương rõ rệt, đồng thời, giúp giảm hàm lượng mỡ trong máu, giảm trương lực cơ, chống co thắt làm giảm đau nhức và giải nhiệt.
CÁCH NHẬN BIẾT CỦ SÂM MỸ CÓ CHẤT LƯỢNG TỐT
Củ Sâm Mỹ chính gốc có những đặc điểm: màu vàng nâu, rắn chắc, hình trụ tròn, vỏ có các vân vòng ngang lồi lên, nhiều vết sần ngang dọc, trên đầu có vành củ rõ rệt. Mặt cắt phẳng, màu trắng ngà, hơi bột. Vị hăng đắng, hậu ngọt và có mùi thơm mát đặc trưng. Do điều kiện thổ nhưỡng khác biệt nên giống sâm Mỹ khi trồng tại Bắc Mỹ sẽ có chất lượng tốt hơn so với khi trồng ở các vùng khác. Ví dụ, hiện giống sâm Mỹ cũng đã được nhân giống và trồng nhiều ở Trung Quốc nhưng sản phẩm có hình dạng khác hẳn, mùi vị và chất lượng đều thấp hơn.
CÔNG DỤNG CỦA SÂM MỸ
Không nhiều thành phần, không đầy đủ các tác dụng bổ dưỡng cũng như tăng lực như sâm Hàn Quốc, nhưng với sự tập trung hàm lượng cao của vài thành phần chủ lực, lại có tính mát nên phạm vi sử dụng của sâm Mỹ ít bị hạn chế hơn. Dùng được cho nhiều đối tượng hơn, đặc biệt là các đối tượng hay lo âu, bứt rứt, mất ngủ, đau nhức, suy âm khí, tim đập mạnh, thở dốc, mệt mỏi.
Theo kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại, sâm Mỹ với thành phần chủ yếu gồm các saponins, panaquilon, có nhiều công dụng:
- Giúp trấn tĩnh, chống căng thẳng thần kinh quá mức, giảm bớt sự phiền não, chống mệt mỏi suy nhược, tăng khả năng tập trung và ghi nhớ, an thần.
- Tăng sức chịu đựng của cơ thể trong điều kiện thiếu ôxy, chống lão hóa.
- Giúp điều hòa hoạt động của hệ tim mạch, chống sốc do suy nhược và mất máu, chống thiếu máu cơ tim và rối loạn nhịp tim.
- Giúp điều chỉnh rối loạn lipid máu: Giảm cholesterol và lipoprotein có tỷ trọng thấp, tăng lipoprotein có tỷ trọng cao, chống sự hình thành các gốc tự do, chống tan máu và tăng khả năng cầm máu.
- Giúp ổn định đường huyết: kích thích tuyến tụy điều tiết insulin, tăng cường chuyển hóa đường
- Thúc đẩy quá trình chuyển hóa, chống lợi niệu, giúp cải thiện chứng tiểu đêm.
- Giúp tăng cường chức năng miễn dịch, nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
NHỮNG LƯU Ý KHI DÙNG SÂM MỸ
Tuy sâm Mỹ có công hiệu tốt cho sức khỏe, nhưng không nên uống tùy tiện. Nên lưu ý hai trường hợp sau:
- Thứ nhất là không phải mắc bệnh gì cũng uống. Ví dụ, những người mắc bệnh viêm gan B mạn tính nếu uống sâm Mỹ sẽ khiến bệnh nặng hơn. Với những người mắc bệnh ung thư, không uống sâm Mỹ ngay sau khi mổ hoặc sau khi xạ trị, hóa trị, trừ khi thấy xuất hiện triệu chứng phổi, dạ dày, âm khí không được tốt.
- Thứ hai là không dùng sâm Mỹ như thức ăn. Có nhiều người luôn mang sâm theo người để khi mệt mỏi là ngậm mà không hiểu là có những trường hợp không thích hợp dùng sâm, bởi sâm Mỹ chỉ là một vị thảo dược dưỡng âm bổ khí, chứ không phải là thuốc chữa bách bệnh.
Add Comment